Sinh viên E-MQI trải nghiệm môn học Kinh doanh Quốc tế cùng giảng viên Daniel

Có bao giờ bạn tự hỏi bản thân mình: “Đâu là lý do khiến bạn đem lòng yêu quý một người mà bạn mới gặp?”. Người ta nói rằng, khi chúng ta có cùng tình yêu, niềm tin hay tín ngưỡng cho một điều gì đó thiêng liêng, khi đó ta dễ đem lòng yêu quý nhau hơn. Có lẽ vì vậy, thầy Daniel – người tôi sắp đề cập trong những dòng viết dưới đây, người đã để lại cho tôi những cảm xúc sâu sắc về một con người dành tình cảm cho đất nước và con người Việt Nam.

Tên đầy đủ của thầy là Daniel Vanhoutte, chúng tôi hay gọi thầy là Mr. Daniel hay thầy Daniel “Bự”. Vì thầy to lớn lắm, để dễ hình dung về ngoại hình của thầy, tôi thấy thầy rất giống với nhân vật hoạt hình Stoick the Vast trong bộ phim hoạt hình nổi tiếng “How to train your dragon” vì thầy to lớn và đặc biệt thầy cũng có một chiếc bụng to giống những người Viking trong bộ phim đó. Hôm đầu tiên được học với thầy, chúng tôi cứ nghĩ rằng thầy sẽ rất khó tính với chúng tôi, nhưng không, “phần còn lại của lịch sử” đã phủ định mệnh đề đó.

Thầy luôn kể cho chúng tôi những câu chuyện thú vị. Thầy kể rằng ở quê hương của thầy, bia còn rẻ hơn cả nước khoáng và nó có ở khắp mọi nơi. Từ trẻ em đến người già ta dễ dàng bắt gặp họ đang nhâm nhi những cốc bia cùng nhau. Không như ở Việt nam, ở đó khi hậu quanh năm mát mẻ, bao phủ trên bầu trời thương là sự âm u và ẩm ướt – ở đó – như thầy nói, “người ta quý những ngày nắng, còn ở Việt Nam, mọi người tận hưởng những cơn mưa”. Đúng vậy, thầy sinh ra và lớn lên ở đất nước Bỉ xa xôi. Ấy vậy mà người đàn ông này lại chọn lựa gắn bó hơn 20 năm với đất nước hình chữ S này thay vì cuộc sống ở đất nước có nền kinh tế luôn thuộc top đầu thế giới, tại sao nhỉ? Câu trả lời cho câu hỏi ấy chỉ có một, đó là vì thầy yêu đất nước và con người Việt Nam. Tôi nghe nói thầy Daniel có cả quốc tịch Việt Nam luôn cơ đấy nhưng một điều mà tôi thắc mắc rằng thầy ở Việt Nam hơn 2 thập kỷ nhưng thầy lại không biết nói tiếng Việt. Cho đến bây giờ, tôi cũng không tìm được lý do nào phù hợp cho điều đó, nếu có cơ hội gặp thầy lần nữa, tôi sẽ hỏi thầy tại sao nhưng tôi đoán rằng chắc là do tiếng Việt khó quá chăng, có lẽ là như vậy. 

Nhưng cũng chính vì điều đó mà chúng tôi luôn được những tràng cười nghiêng ngả mỗi khi thầy cố gắng phát âm một và từ tiếng Việt (như những người nước ngoài khác thầy hay bỏ dấu của những từ tiếng Việt đó). Mỗi lúc như vậy, thầy lại tỏ ra thắc mắc vì không hiểu “Thầy đã sai ở đâu?” – đấy là những lúc tôi cảm thấy rằng thầy Daniel quá đỗi đáng yêu, đáng yêu đến lạ lùng, sự đáng yêu mà hiếm gặp được ở những con người cùng tuổi với thầy. Ở thầy, chúng tôi thấy được lối hài hước, dí dỏm nhưng đầy trí tuệ mang đậm văn hóa châu Âu. 

Ở Châu Âu, người ta không bán rau muốn ở các siêu thị, các em có thể trở nên giàu có nếu như mang rau muống sang Anh để bán đấy! Và việc của các em là hãy mang những nông sản thế mạnh của Việt Nam sang các thị trường lớn nhất trên thế giới. (Thầy tiết lộ cho chúng tôi rằng, ở châu Âu, người ta gọi rau muống với cái tên khá sang chảnh là “ Morning Glory”. Thật thú vị phải không?)

Thầy Daniel cùng các bạn sinh viên E-MQI

Thầy cũng rất quan tâm và hiểu tâm lý của sinh viên Việt Nam. Thầy luôn luôn đoán ra được liệu bạn có hiểu tốt nội dung bài giảng hay không thông qua những biểu hiện trên khuôn mặt của mỗi người trong chúng tôi. Thầy có thể ghi nhớ tất cả những gương mặt tham gia bài thuyết trình nhóm, ai thực hiện phần nào và điểm mạnh điểm yếu của mỗi bạn để thầy thầy có thể nhận xét chúng tôi vào buổi học kế tiếp. Thầy Daniel luôn tận tâm như vậy đấy, và đó cũng là lý do để chúng tôi thêm yêu mến người giáo viên đáng kính này hơn. 

Vậy, “tín ngưỡng và tình yêu” – điều mà tôi đã đề cập ban đầu là gì? Chắc hẳn, đó là tình yêu dành cho đất nước và con người Việt Nam. Chúng tôi thấy được nhiệt huyết của thầy mỗi lúc thầy muốn truyền đạt những kiến thức về nền kinh tế Việt Nam (Thầy dạy chúng tôi học phần International Business). Những lời sau đây là những gì tôi tạm dịch từ lời của thầy, và dĩ nhiên tôi đã dịch nó bằng cả tình cảm của riêng tôi – những lời tôi sẽ ghim vào lòng mình để chẳng bao giờ quên: Các em đừng bao giờ cho rằng Việt Nam của các em nhỏ bé, Việt Nam không hề nhỏ bé, Việt Nam chỉ nhỏ bé hơn khi được so sánh với Trung Quốc. Và nhiệm vụ của các em – thế hệ tương lai là hãy khiến cho tầm vóc ấy trở nên lớn lao hơn”. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.