Hành trình đến với giải thưởng Best Paper – Hội thảo SR-ICYREB: Từ những điều dang dở

“- Này, muốn làm nghiên cứu khoa học không? 

– Có.”

Đoạn hội thoại này, tưởng như không đầu không cuối, lại chính là khởi đầu của chuyến hành trình gần 2 năm. Đó là chuyến hành trình với thật nhiều khó khăn, thử thách, là những buổi họp căng như dây đàn, là những lần nản lòng đến mức muốn xé nát tập ghi chú trên tay. Song, đó cũng là cuộc hành trình đáng nhớ của những “đứa nhóc” đang tập lớn, là hành trình để chấp nhận những cảm xúc mới, những kiến thức mới, những trách nhiệm mới. 

Từ giải Khuyến khích cấp Trường…

Ý tưởng nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng đến ý định sử dụng chatbot đã được nhóm trưởng nhen nhóm được một thời gian trước cả khi chúng tôi lập nhóm. Nhận được sự góp ý và định hướng của cô Đặng Thị Kim Thoa, giảng viên hướng dẫn của chúng tôi, cả nhóm bắt đầu lên ý tưởng chi tiết cho bài nghiên cứu. Ngay từ buổi trao đổi đầu tiên, cô đã “phủ đầu” rằng, đây là bước khó nhất. Thật vậy, đây là giai đoạn áp lực đầu tiên, cũng là giai đoạn kéo dài và nhiều biến động nhất của nhóm. Hàng trăm bài nghiên cứu được tổng hợp, hàng trăm ý tưởng được soạn ra. Có lúc tưởng như phương án này là tối ưu nhất, mô hình này là phù hợp nhất, lại có những vấn đề mới xuất hiện, khiến cho tất cả chỉ còn là những ý tưởng còn bỏ ngỏ. Các thành viên trong nhóm cũng vì những vấn đề cá nhân, như sức khỏe, học tập, hay gia đình, mà khó có thể chuyên tâm. 

Vì sự đình trệ trong công việc, chúng tôi không thể kịp hoàn thành bài làm cho giải thưởng Nghiên cứu khoa học sinh viên cấp trường 2021; song cả nhóm vẫn mong muốn tiếp tục theo đuổi đề tài. Năm 2021 cũng là một năm khó khăn với nhóm, khi dịch COVID-19 bùng phát đến đỉnh điểm, và việc học trực tuyến kéo dài từ tháng 5 đến tận đầu năm sau đó, khiến cho khả năng tương tác giữa các thành viên bị cản trở tương đối. Giữa năm 2021, chúng tôi trải qua nhiều xáo trộn về nhân sự cũng như hướng triển khai bài làm và cách thức làm việc. Đề tài lúc này trở thành nghiên cứu về những nhân tố ảnh hưởng đến ý định sử dụng chatbot trong mảng mua sắm trực tuyến, và tập trung vào đối tượng từ 16 đến 24 tuổi ở Hà Nội. Về phần tôi, tôi trở thành “thủ lĩnh bất đắc dĩ”, với phong cách được đánh giá là “hổ báo” hơn hẳn. 

Chúng tôi tiếp tục hành trình của mình. Mặc dù có cách triển khai khác hẳn ý tưởng ban đầu, chúng tôi vẫn cố gắng tận dụng những thành quả tìm kiếm trước đó. Bởi lẽ, việc tìm kiếm tài liệu cho một đề tài còn mới mẻ là một quá trình tốn rất nhiều thời gian và công sức; nếu tìm lại từ đầu, e rằng chúng tôi sẽ chẳng còn thời gian cho các giai đoạn sau. 

Càng về giai đoạn nước rút, mức độ căng thẳng của cả nhóm càng tăng lên, một phần do khả năng quản lý thời gian chưa tốt, một phần cũng do sự thiếu chủ động của các thành viên trong nhóm. Cho đến ngày nộp bài, chúng tôi vẫn còn đang trong quá trình hoàn thiện và sửa chữa bài làm. 

Nộp bài với tâm thế vội vàng như vậy, việc sai sót là khó tránh khỏi. Ngày công bố giải cấp Trường, chúng tôi đều không quá bất ngờ khi thấy tên mình ở hạng mục giải Khuyến khích. Giải thưởng không lớn, nhưng đó là thành quả, là minh chứng cho sự nỗ lực và bền bỉ của cô trò chúng tôi.  

…Đến giải thưởng Best Paper

Lang thang trên website của Phòng Quản lý khoa học, tôi vô tình bắt gặp thông tin về Hội thảo quốc tế sinh viên nghiên cứu khoa học các trường Đại học kinh tế và kinh doanh 2022 (SR-ICYREB 2022), tổ chức tại trường Đại học Kinh tế – Đại học Đà Nẵng. Suy nghĩ duy nhất trong tôi lúc bấy giờ là mong muốn được đi Đà Nẵng chơi.  

Chuẩn bị cho hội thảo, chúng tôi gặp nhiều thử thách mới. Có hai thử thách lớn nhất mà tôi nghĩ bất cứ nhóm nào muốn đăng bài lên tạp chí hay hội thảo khoa học đều ít nhiều trải qua. Thử thách thứ nhất là về ngôn ngữ. Bài dự thi cấp Trường của chúng tôi viết bằng tiếng Việt, trong khi hội thảo yêu cầu bài viết bằng tiếng Anh. Việc chuyển ngữ một văn bản học thuật rất khó, nhất là với những bạn không quen viết theo phong cách học thuật bằng tiếng Anh. Khả năng diễn đạt bằng tiếng Anh của các thành viên trong nhóm chúng tôi không đồng đều, bởi vậy ngôn ngữ trở thành một rào cản khá lớn. Thử thách thứ hai là về dung lượng. Một bài báo hội thảo có dung lượng khoảng 7000 từ, ngắn hơn rất nhiều so với bài nghiên cứu khoa học cấp Trường. Bởi vậy, chúng tôi phải cố gắng chọn lọc những nội dung tốt nhất và diễn đạt sao cho ngôn từ ngắn gọn, súc tích nhất. 

Ở lần viết bài này, chúng tôi đã khắc phục được những thiếu sót của bài thi cấp Trường. Việc nộp bài cũng suôn sẻ hơn, bài làm được xem xét kỹ càng, chỉn chu đến từng dấu chấm, thay vì được gửi đi một cách vội vàng như trước. Sự chỉn chu đó đã được đền đáp, khi bài làm của chúng tôi trở thành 1 trong 49 bài được chọn (trên tổng số 160 bài) để trình bày tại hội thảo. 

Chúng tôi có khoảng 2 tuần để chuẩn bị cho buổi hội thảo diễn ra vào cuối tháng 7. Đó là 2 tuần ngập tràn sự háo hức, xen lẫn lo lắng, hồi hộp, bởi đây là lần đầu tiên chúng tôi được tham gia một hội thảo khoa học quốc tế. Cả nhóm sẽ di chuyển như thế nào? Chúng tôi sẽ dành mấy ngày ở Đà Nẵng ra sao? Chúng tôi sẽ thuyết trình trước bao nhiêu người? Nên mặc gì để gây ấn tượng với ban giám khảo? Những câu hỏi có phần ngô nghê ấy đã góp phần giúp chúng tôi có sự định hướng và chuẩn bị tốt nhất cho buổi hội thảo. Cô Thoa, dù không thể đồng hành cùng nhóm tại Đà Nẵng, đã đưa ra nhiều lời khuyên hữu ích cho phần trình bày của nhóm. 

Tôi vẫn nhớ những buổi cả nhóm cùng thâu đêm sửa slide, những buổi đọc và sửa kịch bản thuyết trình đến khản giọng. Chúng tôi tận dụng mọi nguồn lực và thời gian có thể để tập dượt cho phần thuyết trình. Khi thì “lẻn” vào phòng học với máy chiếu ở giảng đường A2, lúc thì đứng ngay trước gương trong phòng khách sạn để xem ngôn ngữ cơ thể của bản thân đã tốt chưa. Để rồi sau những nỗ lực ấy là giây phút vỡ òa khi nghe MC dõng dạc đọc tên đề tài của nhóm trong phần trao giải thưởng Best Paper Award – “Factors affecting Vietnamese youth’s intention to use Chatbots in online shopping”.

Những bài học

Nếu phải đưa ra lời khuyên cho các nhóm nghiên cứu, tôi tin bài học đầu tiên sẽ là khả năng quản lý thời gian. Ở khía cạnh cá nhân, khả năng quản lý thời gian sẽ giúp ta biết cách phân chia thứ tự ưu tiên trong cuộc sống, từ đó giúp ta khỏi bị “ngộp” trong hàng núi những vấn đề phát sinh. Trong quá trình tham gia nghiên cứu khoa học, có quá nhiều thứ cần tìm hiểu, trong khi thời gian và sức lực lại hạn chế. Ngoài việc làm nghiên cứu, chúng ta vẫn phải đảm bảo việc học tập, rèn luyện trên lớp, cũng như những công việc cá nhân khác. Bởi vậy, việc quản lý thời gian hợp lý là tối quan trọng để đảm bảo nhóm có thể hoàn thành bài đúng hạn với chất lượng tốt nhất.

Hơn nữa, quá trình nghiên cứu đòi hỏi mức độ chủ động cao. Chủ động ở đây bao gồm chủ động tìm hiểu và chủ động trao đổi. Một khi đã tham gia nghiên cứu, bạn không nên trông chờ ai đó nói với bạn phải đọc những gì, mục này nên triển khai theo những ý nào. Chủ động ở đây cũng là chủ động hỗ trợ những thành viên khác khi cần, cũng như chủ động đưa ra những khó khăn mình đang gặp phải để giảng viên hướng dẫn và cả nhóm có thể cùng nhau giải quyết. Khi tham gia nghiên cứu khoa học sinh viên, hầu hết chúng ta đều là những “tay mơ”, song mỗi người lại có một góc nhìn riêng, một thế mạnh riêng. Bởi vậy việc cùng nhau học hỏi, tích cực trao đổi và phản biện sẽ giúp nhóm có cái nhìn đa chiều hơn về vấn đề mình đang tìm hiểu, đồng thời giúp kịp thời tháo gỡ những tồn tại trong bài làm, và làm cho tổng thể bài nghiên cứu có liên kết chặt chẽ hơn. Điều này đóng góp rất lớn cho thành công của nhóm. 

Lời kết

Nghiên cứu khoa học là một hành trình đầy rẫy những khó khăn, thử thách, đòi hỏi sự bền bỉ, cũng như tinh thần đoàn kết, sự thấu hiểu của mọi thành viên trong nhóm. Có những lúc chúng tôi đã muốn bỏ cuộc, song nhờ sự động viên từ cô, từ các bạn, chúng tôi đã viết tiếp hành trình của mình và nhận được thành quả xứng đáng. Bên cạnh việc có cho mình một danh hiệu, một thành tích học thuật, chúng tôi đã mở rộng hiểu biết của bản thân ở nhiều lĩnh vực, rèn luyện những kỹ năng mới, và có cho mình những trải nghiệm đáng nhớ thời sinh viên. Hơn cả một giải thưởng, đó là hành trình trưởng thành. 

Chúng tôi muốn dành sự biết ơn đến với cô Đặng Thị Kim Thoa, giảng viên Khoa Quản trị Kinh doanh, đã đồng hành tiếp sức cho chúng tôi trong suốt quá trình làm nghiên cứu. Cảm ơn các anh chị, bạn bè, và gia đình đã góp phần tạo nên kho dữ liệu quý giá cho nhóm nghiên cứu, cũng như trở thành nguồn động viên to lớn về mặt tinh thần. Chẳng lời văn nào đủ để diễn tả hết giá trị của sự giúp đỡ của mọi người đối với chúng tôi. Vì vậy, đành chỉ xin có một lời cảm ơn chân thành nhất, dành cho tất cả.

Giải thưởng Best Paper Award chưa phải là điểm dừng chân cuối cùng trong cuộc hành trình nghiên cứu của nhóm. Hy vọng rằng đề tài nghiên cứu của nhóm chúng tôi vẫn sẽ nhận được sự quan tâm đến từ quý đọc giả cũng như những nhà nghiên cứu.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.