Logistics (Hậu cần) là một thuật ngữ có nguồn gốc Hy Lạp, phản ánh một khoa học vận dụng các phép tư duy, suy luận, phương pháp và kỹ thuật logic trong các hoạt động. Như vậy, tư tưởng của logistics là một khoa học nghiên cứu các tính chất, quy luật logic của các hoạt động cung ứng và bảo đảm các yếu tố vật chất và kỹ thuật để cho quá trình chính yếu của tổ chức, doanh nghiệp được tiến hành đúng mục tiêu đặt ra. So với các hoạt động kinh doanh khác, logistics có một đặc điểm riêng biệt – nó diễn biến không ngừng và diễn ra khắp toàn cầu (anytime & anywhere). Hiếm có lĩnh vực kinh doanh nào lại hoạt động rộng khắp ở mọi miền địa lý, mọi nơi, mọi lúc như hoạt động hậu cần.
Hoạt động hậu cần không phải là lĩnh vực mới mẻ, nó đã xuất hiện từ lâu và phát triển không ngừng cùng với sự phát triển của loài người và của sản xuất hàng hóa. Các nước công nghiệp càng phát triển, phạm vi hoạt động đầu tư và thương mại quốc tế càng rộng lớn, thì lĩnh vực hậu cần càng hiện đại và có tốc độ phát triển rất nhanh. Tuy vậy, một vấn đề có tính thời đại đặt ra là cùng với sự phát triển về quy mô và phạm vi hoạt động hậu cần, chi phí cho hoạt động này cũng rất lớn (hiện nay ở các nước phát triển, chi phí này thường chiếm khoảng 08 – 10% GDP; ở nước ta chiếm khoảng trên dưới 20% GDP).
Khác với hoạt động hậu cần, lý thuyết về hậu cần hiện đại (Modern Logistics Theory) là một môn khoa học tương đối trẻ so với các ngành học chức năng truyền thống như marketing và bán hàng, tài chính, nhân sự, sản xuất và tác nghiệp. Các nước đi đầu trong lĩnh vực quản trị hậu cần kinh doanh (Business Logistics Management) như Anh, Pháp, Mỹ, Canada, Australia… cũng mới đề cập tới hậu cần kinh doanh vào những năm 60-70 của thế kỷ XX. Ở nước ta, quản trị hậu cần mới thâm nhập trong những năm gần đây, nhất là từ khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO (2006), nhưng nó sẽ là một lĩnh vực đầy triển vọng xét trên cả phương diện khoa học và phương diện thực tiễn. Tuy nhiên, không phải đến nay chúng ta mới đề cập tới hoạt động hậu cần, một số nội dung của quản trị hậu cần cũng đã được xem xét ở những mức độ nhất định trong các bộ môn khoa học có liên quan như: thương mại doanh nghiệp, quản trị marketing và bán hàng, quản trị cung ứng, quản trị kho và giao nhận… hay trong các chương trình đào tạo đại học tại Học viện Hậu cần.
Xuất phát từ vai trò thực tế của hậu cần kinh doanh và yêu cầu nhanh chóng tiếp cận với kiến thức quản trị kinh doanh hiện đại, có hệ thống, có tính Việt Nam, nhất là kiến thức về quản trị dịch vụ hậu cần cho sản xuất kinh doanh của các nhà quản trị doanh nghiệp, nhà quản trị vận hành, chúng tôi đã kịp thời biên soạn và giới thiệu Giáo trình Quản trị hậu cần tới bạn đọc. Lần đầu biên soạn, cuốn sách do PGS.TS. Lê Công Hoa chủ biên và được Nhà xuất bản Đại học Kinh tế Quốc dân ấn hành năm 2012. Với việc tái bản lần này, giáo trình được cập nhật, hoàn thiện, chú ý tới tính thực tiễn Việt Nam, chuẩn hóa kết cấu và hình thức trình bày nhằm đáp ứng yêu cầu của người học.
Những điểm mới trong lần biên soạn này là: (i) bổ sung hai chương mới (Hoạch định hậu cần và Hậu cần quốc tế); không biên soạn chương Quản trị chuỗi cung ứng, vì từ năm 2016, Bộ môn Quản trị doanh nghiệp đã chính thức đưa vào giảng dạy môn học này; (ii) bổ sung một số nội dung mang tính thức tiễn của Việt Nam (Hậu cần y tế, trường học (Chương 1), Quản trị dự trữ trong doanh nghiệp nhỏ và vừa (Chương 7), Quản trị mua hàng (Chương 8), Lập kế hoạch nhu cầu nguyên vật liệu và Kế hoạch vận tải đường bộ (Chương 9); (iii) cập nhật, bổ sung một số vấn đề mới về lĩnh vực này trên thế giới và Việt Nam; hợp lý hóa cấu trúc chung của giáo trình và cấu trúc của từng chương, đảm bảo trình bày nhất quán, xuyên suốt trong tất cả các chương (giới thiệu chương, nội dung chương, tóm tắt chương, ôn tập, bài tập, thảo luận, từ khóa và tài liệu tham khảo chương); gia tăng tính logic, tính chính xác và tinh gọn, chú ý sử dụng các bảng, hình và hộp trong trình bày và minh họa.
Nội dung của giáo trình tái bản lần này ngoài lời mở đầu, mục lục, danh mục bảng, hình, tài liệu tham khảo, gồm 12 chương. Hai chương giới thiệu các vấn đề chung về quản trị hậu cần và xu thế quốc tế hóa quản trị hậu cần (Chương 1 và Chương 12); bảy chương đề cập tới các quyết định hậu cần, bao gồm các quyết định có tính mục tiêu và các quyết định có tính nghiệp vụ hậu cần cơ bản (từ Chương 2 đến Chương 8); ba chương còn lại giới thiệu về quản trị hậu cần tiếp cận theo các chức năng quản trị cơ bản (từ Chương 9 đến Chương 11). Các chương cụ thể của giáo trình như sau:
Chương 1: Giới thiệu về quản trị hậu cần
Chương 2: Sản phẩm hậu cần
Chương 3: Dịch vụ khách hàng trong hậu cần
Chương 4: Hệ thống thông tin hậu cần
Chương 5: Vận tải
Chương 6: Quyết định vận tải
Chương 7: Quyết định dự trữ
Chương 8: Quyết định mua và cung ứng
Chương 9: Hoạch định hậu cần
Chương 10: Tổ chức hậu cần
Chương 11: Kiểm soát hậu cần
Chương 12: Hậu cần quốc tế
Nhóm tác giả biên soạn cho lần tái bản này gồm:
– PGS.TS. Lê Công Hoa – Đồng Chủ biên, biên soạn Lời mở đầu, Chương 1, Chương 2, Chương 3 và Chương 4;
– PGS.TS. Nguyễn Thành Hiếu – Đồng chủ biên, biên soạn Chương 7 và biên soạn Chương 9; [HNT1]
– TS. Nguyễn Đình Trung – Biên soạn Chương 5 và tham gia biên soạn Chương 6;
– TS. Nguyễn Kế Nghĩa – Biên soạn Chương 8;
– TS. Trần Mạnh Linh – Biên soạn Chương 6 và tham gia biên soạn Chương 7; [HNT2]
– ThS. Tạ Minh Quang – Biên soạn Chương 12;
– ThS. Lê Phan Hòa – Biên soạn Chương 10 và Chương 11;
– ThS. Bùi Cẩm Vân – Tham gia biên soạn Chương 9.
Trong quá trình biên soạn, nhóm tác giả đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp quý báu của các nhà khoa học trong và ngoài Trường, gồm Tập thể Bộ môn Quản trị doanh nghiệp – Khoa Quản trị kinh doanh, Hội đồng Khoa học và Đào tạo Khoa Quản trị kinh doanh, Hội đồng nghiệm thu giáo trình cấp Trường – Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cũng như các nhà khoa học, các nhà chuyên môn khác. Chúng tôi đã trân trọng tiếp thu và triển khai thực hiện các ý kiến đóng góp đó để chỉnh sửa, hoàn thiện giáo trình.
Tuy đã có nhiều cố gắng trong quá trình biên soạn, nhưng giáo trình cũng không thể tránh khỏi những thiếu sót. Chúng tôi rất mong nhận được sự góp ý chân thành của các bạn đọc. Mọi ý kiến xin gửi về theo địa chỉ hoafbm@gmail.com, điện thoại 0913379988. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn!
TẬP THỂ TÁC GIẢ BIÊN SOẠN
Bộ môn Quản trị Doanh nghiệp, Khoa Quản trị Kinh doanh