GS. Trần Thọ Đạt: Cần bổ sung thêm một số đối tượng hỗ trợ trong gói an sinh xã hội lần 2.

GS. Trần Thọ Đạt: Cần bổ sung thêm một số đối tượng hỗ trợ trong gói an sinh xã hội lần 2.
Gói hỗ trợ an sinh xã hội lần 1 đã được thực hiện trong thời gian qua, mặc dù mới giải ngân được 22%, nhưng khó có thể tiếp tục duy trì và kéo dài hơn nữa do bối cảnh và điều kiện hiện tại đã thay đổi. Những doanh nghiệp nào tiếp cận được, những đối tượng nào được thụ hưởng thì đã được thực hiện, những cấu phần nào chưa giải ngân được là do điều kiện đã không còn phù hợp nữa, cần phải thay đổi cả về đối tượng và điều kiện nhận hỗ trợ cho phù hợp với hoàn cảnh mới. Do vậy, gói hỗ trợ lần 2 được đề xuất là cần thiết nhằm hướng đến những đối tượng mới cần hỗ trợ để nhanh chóng khôi phục sản xuất kinh doanh, giúp khắc phục khó khăn trong các đợt dịch vừa qua, sớm ổn định cuộc sống và công việc. Theo dự kiến đề xuất của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, gói hỗ trợ an sinh xã hội lần này có tổng trị giá trên 27.000 tỷ đồng.
Theo dự thảo, gói hỗ trợ lần 2 gồm miễn tiền đóng vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tiếp tục cho doanh nghiệp tạm dừng đóng Quỹ hưu trí và tử tuất trong 6 tháng, sử dụng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo lại lao động, hỗ trợ trực tiếp lao động dừng hợp đồng, lao động nghỉ việc không lương, mất việc nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, hộ kinh doanh phải tạm đóng cửa để phòng dịch theo yêu cầu của cơ quan chức năng, tiền ăn cho trẻ em phải cách ly y tế. Gói hỗ trợ lần này cũng đề xuất Trung ương hỗ trợ 1.000 tỷ đồng cho Bắc Giang và Bắc Ninh để hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng và lực lượng phòng chống dịch, Ngân hàng Chính sách xã hội được đề nghị cho vay với lãi suất 0% để trả lương cho người lao động bị ngừng việc.
Tôi cho rằng nguyên tắc hỗ trợ về an sinh xã hội cần phải đúng đối tượng, đủ và nhanh, nguyên tắc này là không thay đổi và cần triển khai thật tích cực, kịp thời. Rõ ràng các cấu phần “miễn tiền đóng, tạm dừng đóng…” vào các quỹ sẽ được thực hiện ngay.
Đối với nội dung hỗ trợ trực tiếp người lao động, hỗ trợ hộ kinh doanh thì để hỗ trợ đúng đối tượng, cần rà soát xem những đối tượng nào đã được tính đến trong gói cứu trợ lần 1 nhưng chưa được hỗ trợ, đặc biệt là lao động tự do, một số đối tượng đặc thù như người bán hàng rong, lao động thu gom rác, làm nghề bốc vác, người bán vé số lưu động, người lao động tại các cơ sở dịch vụ ăn uống, lưu trú… mà gói cứu trợ vừa qua chưa xác định được.
Riêng các gói hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo lại lao động, cho vay với lãi suất 0% để trả lương cho người lao động bị ngừng việc, cần rút kinh nghiệm sâu sắc theo hướng giảm thiểu tối đa điều kiện và thủ tục. Đây chính là hai gói có tỷ lệ giải ngân rất thấp trong thời gian vừa qua.
Cuối cùng, hỗ trợ phải được thực hiện kịp thời để nhóm người lao động bị ảnh hưởng nặng nề sẽ vượt qua được thời khắc khó khăn nhất, vào lúc cần thiết nhất, duy trì được đời sống dân sinh, không bị “bỏ lại phía sau”, tăng thêm động lực và niềm tin cùng đồng hành trong cuộc chiến chống dịch, đồng thời tránh được nguy cơ phá sản của nhiều doanh nghiệp.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.