PGS.TS Phạm Hồng Chương – Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân tham dự Tọa đàm: “Tham vấn chuyên gia về Kinh tế – Xã hội” của Quốc hội

Sáng ngày 27/9/2021, Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã tổ chức Tọa đàm:” Tham vấn chuyên gia về Kinh tế – Xã hội” dưới sự chủ trì của GS.TS Vương Đình Huệ – Chủ tịch Quốc Hội. PGS.TS Phạm Hồng Chương – Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã tham dự và tham luận tại tọa đàm.
Tham dự Tọa đàm còn có: Chủ nhiệm các cơ quan của Quốc hội, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, đại diện các Ban Đảng, bộ, ngành, cơ quan Trung ương; đại diện một số tổ chức quốc tế tại Việt Nam, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, đại diện các doanh nghiệp. PGS.TS Phạm Hồng Chương – Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cùng các chuyên gia kinh tế của Trường đã tham dự và tham luận tại tọa đàm.
Tham luận tại tọa đàm, PGS Phạm Hồng Chương – Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh đến vấn đề chuỗi cung ứng ngành chế tạo chế biến đã bị gián đoạn một phần do tác động của đại dịch Covid-19. Tác động này thể hiện rõ nhất vào tháng 8 với các đầu mối bị tác động mạnh là ở khu vực TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai.
PGS.TS Phạm Hồng Chương cho biết, chỉ số của lĩnh vực chế biến, chế tạo vào tháng 8 cho thấy công đoạn hạ nguồn của chuỗi cung ứng (xuất khẩu và bán lẻ) đang bị thu hẹp. Trong khi đó, công đoạn thượng nguồn gồm nhập khẩu có xu hướng mở rộng.
Làm rõ về tác động nghiêm trọng của Covid-19 tới chuỗi cung ứng tại Việt Nam, PGS Hiệu trưởng dẫn minh chứng việc thực hiện giãn cách xã hội kéo dài theo chỉ thị 16 của Chính phủ tại các tỉnh phía nam đã khiến 80% các nhà máy sản xuất dệt may, da giày tại TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Kiên Giang… là những nơi tập trung nhiều doanh nghiệp lớn trong các khu công nghiệp, phải ngừng sản xuất do không đủ điều kiện thực hiện quy chế “3 tại chỗ” và “một cung đường, hai điểm đến”.
“Tại các địa phương miền Trung và miền Bắc, các doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may, da giày chỉ hoạt động với công suất 50%-70%, do giãn cách xã hội và thiếu lao động. Khoảng 40% doanh nghiệp có đủ điều kiện và dám thực hiện điều kiện 3 tại chỗ”, PGS.TS Phạm Hồng Chương cho biết.
PGS.TS Phạm Hồng Chương kiến nghị Chính phủ và chính quyền các địa phương phải rà soát lại toàn bộ các chính sách và biện pháp thời gian qua trong quản lý và điều hành nền kinh tế để sửa đổi, bổ sung kịp thời các chính sách, biện pháp cho phù hợp bối cảnh mới như chính sách thu hút lao động về trở lại sản xuất, chính sách an sinh xã hội đối với người lao động, đặc biệt là chính sách nhà ở cho lao động tại các KCN không thể như trước đại dịch, cần có các chính sách hậu cần, logistics của từng địa phương, thành phố bài bản hơn theo các trung tâm logistics địa phương và được quan tâm tâm đầu tư nhiều hơn như các phương thức vận chuyển, phương tiện vận chuyển, kho hàng, bổ sung mặt hàng dự trữ Quốc gia và nâng tỷ lệ mức dự trữ Quốc gia, điều chỉnh Luật Dự trữ Quốc gia 2013 và xây dựng Chiến lược dự trữ Quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2045 cho phù hợp với bối cảnh mới.
Hiến kế giải pháp phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, PGS.TS Phạm Hồng Chương cho rằng, trước tiên cần thay đổi quan điểm chống dịch. Kế hoạch chống dịch phải đồng bộ, nhất quán mới có thể mở cửa trở lại. Cần đẩy nhanh tiêm vaccine, đặc biệt cho cả ngư dân, nông dân, cho phép sử dụng lao động an toàn, tạo nguồn lao động xanh để doanh nghiệp và các hộ nông ngư nghiệp được quyền thuê lao động, bảo đảm hoạt động trở lại khi đủ điều kiện. Đồng thời, cho phép tự chủ hoạt động và thực hiện phòng chống dịch…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.