Hội thảo Quốc tế Kinh doanh bền vững trong Bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0


HỘI THẢO 
KINH DOANH BỀN VỮNG TRONG BỐI CẢNH CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0: SỰ CẦN THIẾT NGHIÊN CỨU VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA

  1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ban hành quyết định số 1393/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược tăng trưởng xanh  thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến 2050”. Theo đó, nền kinh tế được tái cấu trúc dựa trên áp dụng công nghệ tiên tiến, sử dụng hiệu quả tài nguyên, giảm phát thải khí nhà kính, góp phần xoá đói giảm nghèo và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Một điểm đáng lưu ý, phần lớn các chỉ tiêu mục tiêu của bản Chiến lược này liên quan đến xác định trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp  trong kinh doanh. Cụ thể, đến năm 2020: giá trị sản phẩm ngành công nghệ cao, công nghệ xanh trong GDP đạt 42-45%, Giảm cường độ phát thải khí nhà kính 8-10% so với 2010, 100% cơ sở sản xuất kinh doanh mới áp dụng công nghệ thân thiện môi trường hoặc trang bị các thiết bị xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường, 100% khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn,v.v….Điều đó có nghĩa là Chiến lược tăng trưởng xanh chỉ có thể đi vào cuộc sống khi có sự tham gia thực hiện của doanh nghiệp và các doanh nghiệp cần phải coi kinh doanh bền vững là sứ mệnh của mình. 

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được nhận dạng những năm gần đây và tiến bộ nhanh đến chóng mặt sẽ làm cho thế giới thay đổi nhanh chóng. Cuộc cách mạng này được xem là một sự tiến hóa mang tính đột phá sang một thời kỳ phát triển mới của kinh tế tri thức. Nó không còn là đơn thuần chỉ là “mở rộng” số hóa kinh tế, dù sử dụng Internet như một nền tảng, bởi lẽ cách mạng công nghiệp 4.0 còn dựa vào nhiều thành tựu của tự động hóa, vật liệu mới, công nghệ sinh học,… và chúng được “tích hợp” với nhau tạo ra sự thay đổi cơ bản cách sống.Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0đã tạo ra những cơ hội lớn trong phát triển kinh tế và kinh doanh, nó cho phép  du nhập các công nghệ tiên tiến giúp tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới, tăng hiệu quả sản xuất, thúc đẩy sáng tạo. Tuy nhiên, những thách thức trong kinh doanh bền vững cũng đã xuất hiện bởi cuộc cách mạngnày,đó là: (i) Tiềm ẩn nguy cơ phá vỡ sự cân bằng của thị trường lao động,khi rôbốt và tự động hóa lên ngôi, số lượng lao động dư thừa sẽ tăng lên; (ii) Khoảng cách giàu nghèo sẽ gia tăng giữa những đối tượng cung cấp vốn tài chính và vốn tri thức (các nhà sáng chế, cổ đông và nhà đầu tư) và những đối tượng phụ thuộc vào sức lao động (người lao động).

Như vậy, sứ mệnh kinh doanh bền vững được thực hiện trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với nhiều cơ hội và không ít thách thức. Điều này đặt ra câu hỏi cho các chủ thể kinh doanh: làm thế nào để vượt qua những thách thức và tận dụng triệt để các cơ hội từ cách mạng công nghiệp 4.0, lựa chọn các phương án phát triển kinh doanh đảm bảo tối ưu nhất yêu cầu bền vững. Đó cũng là những “đơn đặt hàng” từ phía thực tế đối với lĩnh vực nghiên cứu và triển khai, cần có những trao đổi, phân tích sâu sắc, tổng hợp đa chiều các khía cạnh: từ lý luận kinh doanh bền vững, cách mạng công nghiệp 4.0, tác động của cuộc cánh mạng này đối với kinh doanh bền vững, khả năng tiếp nhận của các chủ thể kinh doanh trong các điều kiện khác nhau, đến kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam trong quá trình hướng tới kinh doanh bền vững.

Với cách đặt vấn đề nói trên, Hội thảo khoa học quốc tế: “Kinh doanh bền vững trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiêp 4.0” do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chủ trì với sự phối hợp với trường Đại học Kyoto, Nhật Bản và trường Đại học Kỹ thuật Munich, CHLB Đức, có ý nghĩa rất quan trọng, với kỳ vọng tìm đến những câu trả lời cho những “đơn đặt hàng” từ phía thực tiễn đặt ra.

  1. MỘT SỐ NỘI DUNG TRAO ĐỔI TRONG HỘI THẢO

Trong khung khổ chủ đề Hội thảo: “ Kinh doanh bền vững trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0”, đã có 40 bài viết đến từ các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà quản lý và hoạch định chính sách với nhiều nội dung phong phú và sâu sắc. Dựa trên những phân tích và những gợi mở từ các bài viết, căn cứ vào cách đặt vấn đề ở trên, chúng tôi xin được đưa ra 5 nội dung trao đổi chủ yếu trong buổi hội thảo này.

Nội dung thứ nhất: Phát triển kinh doanh bền vững được xác định là trách nhiệm của doanh nghiệp đối với toàn xã hội. Các doanh nghiệp Việt Nam cần phải có những cải cách gì để đáp ứng tốt được những yêu cầu xã hội đặt ra.

Rõ ràng là, để có phát triển xanh, bền vững, với tư cách là tế bào của nền kinh tế, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp không phải chỉ chạy theo lợi nhuận cá nhân, trong ngắn hạn và chấp nhận bằng mọi giá, mà phải hướng tới một hình ảnh doanh nghiệp kinh doanh bền vững. Kinh doanh bền vững được hiểu, đó là việc duy trì được trạng thái kinh doanh có hiệu quả cao một cách lâu dài trong các điều kiện khắc nghiệt và đổi thay, đồng thời thực hiện được sự lan toả tích cực đến các đối tượng chịu ảnh hưởng. Điều đó đặt doanh nghiệp phải gắn kết được hoạt động kinh doanh với thực hiện tốt được trách nhiệm của mình đối với xã hội trên tất cả các mặt: bảo vệ môi trường, tiến bộ xã hội, phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, gắn kết cộng đồng và bảo vệ người lao động, v.v… Nhiều bài viết trong Kỷ yếu hội thảo đã đề cập đến nội dung trên theo một số lĩnh vực cụ thể: quản trị phát triển nguồn nhân lực, liên kết phát triển kinh doanh của các tỉnh, vùng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường, phát triển thị trường sản phẩm quốc tế theo hướng bền vững, thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, kiểm soát quản trị quá trình phát triển doanh nghiệp, các hoạt động đổi mới trong quảng cáo, tiếp thị, nhãn sinh quan đối với sản phẩm hàng hoá, nghiên cứu hành vi tiêu dùng của các tầng lớp dân cư,v.v…Để làm sâu sắc hơn những nội dung nêu trên, chúng tôi xin tiếp tục phát triển một số khía cạnh cần trao đổi thêm : (i) Nội hàm của kinh doanh bền vững và cụ thể hoá trong các ngành, lĩnh vực, vùng và loại hình doanh nghiệp khác nhau; (ii) Khoảng cách giữa yêu cầu đặt với mức độ bảo đảm của các doanh nghiệpViệt Nam hiện nay, những mâu thuẫn thường gặp phải của doanh nghiệp trong thực hiện kinh doanh bền vững; (iii) Cần có những cải cách gì tiếp theo đối với các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý, các tổ chức xã hội để thực hiện  sứ mệnh kinh doanh bền vững ở Việt Nam

Nội dung thứ  hai: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra những ràng buộc mới trong quá trình thực hiện kinh doanh của các donh nghiệp Việt Nam. Các chủ thể kinh tế cần nắm bắt và cập nhật như thế nào để đổi mới hoạt động, bảo đảm kinh doanh bền vững.

Nhiều bài viết trong cuốn kỷ yếu hội thảo đã nhấn mạnh đến sự gắn kết của cuộc cách mạnh công nghiệp 4.0 với thực hiện mục tiêu phát triển kinh doanh bền vững trên các khía cạnh tổng quát cũng như cụ thể, như: Kinh doanh bền vững trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, Tổng quan về cuộc cách mạng 4.0 và cơ sở kinh doanh bền vững, Nông nghiệp xanh với cách mạng 4.0, Mô hình kinh doanh bền vững trong bối cảnh công nghiệp 4.0, Phát triển công nghiệp hỗ trợ với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Cách mạng công nghiep 4.0 với đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, Đạo đức nghề nghiệp, đạo đức kinh doanh với cách mạng 4.0, Cách mạng công nghiệp 4.0 với hoàn thiện hệ thống thông tin kế toán,v.v…Một số phát hiện và đề xuất của các bài viết này đặt ra cho hội thảo những nội dung trao đổi sâu sắc hơn: (i) Những thách thức của Cách mạng 4.0 đến phát triển kinh tế và kinh doanh của Việt Nam: nền kinh tế năng suất thấp, áp dụng khoa học công nghệ rất hạn chế, không có những tập đoàn, công ty thuộc “top” hàng đầu thế giới, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0  có thể làm doãng thêm khoảng cách phát triển của Việt nam so với thế giới, công nghệ mới và rôbốt có thể dẫn đến tình trạng thất nghiệp hàng loạt vì không thể chuyển đổi nghề kịp thời, phân hóa giàu nghèo gia tăng thêm và các xung đột xã hội có thể nổi lên; (ii)Việt Namphải nỗ lực tiếp nhận cuộc cách mạng này để thay đổitrên cơ sở thực hiện nhiều cuộc “cách mạng con” từ tư duy đến hoạch định chính sách, tạo đột phá trong tạo việc làm năng suất cao, loại trừ tư tưởng lợi ích nhóm, cục bộ, hay bảo hộ; tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng cân bằng động lực kinh tế với an sinh xã hội; (iii) Liên quan đến kinh doanh bền vững trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp cần quan tâm nhiều hơn đến vấn đạo đức kinh doanh:   Nếu quan niệm đạo đức là “trái tim” của kinh doanh, đổi mới sáng tạo là “bộ não” của kinh doanh, cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp có “bộ não” thông minh hơn, thì “trái tim” của kinh doanh cũng cần phải có sự hoàn thiện theo hướng liêm chính, có như vậy, doanh nghiệp mới thực hiện được các cơ hội kinh doanh mới dựa trên giá trị cốt lõi, nền tảng về đạo đức kinh doanh và đổi mới sáng tạo, vì sự phát triển bền vững của mình

Nội dung thứ ba: tính chất vận hành của cách mạng công nghiệp 4.0 khác nhau đối với từng ngành, từng lĩnh vực, từng loại hình doanh nghiệp. Các chủ thể kinh tế khác nhau cần có cơ chế sử dụng thành quả của cuộc cách mạng này như thế nào trong việc hướng tới kinh doanh bền vững.

Nhiều trong số các bài viết của các nhà khoa học đã đề cập nội dung tác động khá đa chiều của của cách mạng công nghiệp 4.0: (i) Đến các ngành,các lĩnh vực kinh tế khác nhau như ngành công nghiệp cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, ngành dệt may, ngành điện tử, ngành du lịch, ngành nông nghiệp, ngành dược, ngành bán lẻ nội địa, xuất nhập khẩu; ngân hàng thương mại, lĩnh vực thông tin marketing,v.v..; (ii) Đến các vùng và địa phương khác nhau như: vùng duyn hải miền Trung, vùng Đồng bằng sông Hồng,  tỉnh Thanh Hoá,  Bến Tre. Để có thể tìm ra nguyên lý hệ thống trong vận hành kinh doanh bền vững dưới tác động phức tạp của cách mạng công nghiệp 4.0, hội thảo muốn hướng sự trao đổi đến: (i) Phân nhóm ngành, lĩnh vực, vùng kinh tế của quốc gia như thế nào để có khả năng mô hình hoá sự tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đến phát triển kinh tế và kinh doanh; (ii) Hình thành những mô hình kinh doanh bền vững phù hợp với từng nhóm ngành, vùng dưới tác động của các biến số đặt ra  từ cách mạng công nghiệp 4.0; (iii) Những sự thay đổi nào cần đặt ra trong hoạch định chiến lược, trong xây dựng chính sách,  trong tổ chức và quản lý hoạt động kinh doanh phù hợp với bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0

Nội dung thứ tư: Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến phát triển kinh doanh bền vững ở các nước trên thế giới như thế nào và những bài học gì được vận dụng cho Việt Nam.

Đối với các nước phát triển, cách mạng 4.0  với các biểu hiện của nó đã thực sự tạo những nền tảng quan trọng cho quá trình tái cấu trúc nền kinh tế và phát triển kinh doanh của các chủ thể kinh tế. Một số bài viết trong kỷ yếu hội thảo đã đề cập đến nội dung này như: tăng trưởng xanh trong bối cảnh cách mạng 4.0 ở Hàn Quốc, cách mạng 4.0 và sự thay đổi hệ thống kinh tế ở Nhật Bản, vấn đề tạo động lực việc làm trong bối cảnh công nghiệp 4.0, những vấn đề đặt ra trong phát triển của một số doanh nghiệp điển hình của một số nước như Nhật Bản, Ba Lan.v.v…Các kết quả nghiên cứu đã cho thấy, đối với các nước phát triển, quá trình tiếp nhận và thực hiện cách mạng công nghiệp 4.0 không phải không có những khó khăn để vận hành phát triển kinh tế và kinh daonh và họ đã phải vượt qua. Vì vậy, việc đi sâu phân tích sâu sắc và hệ thống hơn nữa những kinh nghiệm quốc tế (cả các nước phát triển và các nước đang phát triển) và những bài học kinh nghiệm gì sẽ được rút ra cho Việt Nam với lợi thế là nước đi sau, là những vấn đề cần được trao đổi trong hội thảo.

Nội dung thứ năm: Trường đại học sẽ làm gì để góp phần tham gia vào thực hiện sứ mệnh kinh doanh bền vững của các chủ thể kinh tế ở Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 

Có 3 vấn đề đặt ra liên quan đến các trường đại học từ thực tiễn đòi hỏi thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế và kinh doanh bền vững trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Các vấn đề này ít nhiều được đề cập trong một số bài viết trong kỷ yếu, tuy nhiên còn ít và chưa đủ độ sâu, rất cần trao đổi trong buổi hội thảo này, đó là:  (i) Thị trường lao động, nhất là lao động có trình độ cao đòi hỏi khắt khe hơn, sinh viên tốt nghiệp cần phải có kiến thức, kỹ năng và thái độ thích ứng; (ii) Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo nhiều cơ hội cho các trường đại học tham gia thị trường khoa học công nghệ, nhưng đòi hỏi phải thay đổi trong tư duy, phương pháp và cách tiếp hiện đại với tính ứn dụng cao hơn; (iii) Các trường đại học phải có những thay đổi trong nội dung chương trình đào tạo, phương pháp tổ chức đào tạo, kể cả các chuẩn đầu ra của các ngành, chuyên ngành đào tạo, nhất là các chuyên ngành liên quan trực tiếp đến phát triển kinh tế kinh doanh bền vững

  1. KẾT LUẬN

Kinh doanh bền vững trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, vừa là mục tiêu, vừa là sứ mệnh, đồng thời là những ràng buộc đặt ra đối với các chủ thể kinh tế và kinh doanh ở Việt Nam hiện nay và trong nhiều năm tới. Đây cũng là mối quan tâm hàng đầu của các nhà lãnh đạo và quản lý khi hoạch định phát triển và xây dựng chính sách. Hội thảo về chủ đề này thực sự có ý nghĩa quan trọng cả về lý luận và thực tiễn. Các gợi ý về nội dung trao đổi trong hội thảo, một mặt tổng hợp từ kết quả nghiên cứu ban đầu từ các bài viết khoa học đăng trong kỷ yếu, nhưng đó cũng chính là những trăn trở của thực tiễn khi Việt Nam bước vào giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0 với rào cản thách thức. Hội thảo kỳ vọng thu được những kết quả như mong muốn. Rất mong nhận được các ý kiến từ phía các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà lãnh đạo, quản lý và hoạch định chính sách.

HÀ NỘI NGÀY 10 THÁNG 9 NĂM 2018

GIấy mời Hội thảo 27.9.2018

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.