Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ năm 2018, các trường đại học phải công bố điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo, chi phí đào tạo một sinh viên và tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm thì mới được đưa ra phương án tuyển sinh năm 2018.
Mới đây, trường ĐH Kinh tế quốc dân đã chính thức công bố phương án tuyển sinh của trường năm 2018. Trong đó những con số về tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp, sinh viên ra trường có việc làm của 2 năm gần nhất, tỉ lệ giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng,…
Tuy nhiên, một trong nhiều điểm khiến nhiều học sinh và phụ huynh thắc mắc về những con số được công bố này là chi phí trung bình để đào tạo một sinh viên năm 2017 là 21,7 triệu đồng. Nhưng trong quy định về học phí năm 2017 của trường là từ 14-17 triệu đồng/sinh viên tùy từng ngành.
Chúng tôi đã phỏng vấn PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trường phòng Đào tạo trường ĐH Kinh tế quốc dân về vấn đề này.
Theo chi phí đào tạo của nhà trường được công bố mới đây và quy định học phí năm 2017 có sự chênh lệch khá nhiều. Vậy nhà trường có phải bù lỗ cho khoản chênh lệch này hay không, thưa ông?
Trên thực tế, có một bộ phận nhỏ sinh viên sẽ phải đóng nhiều hơn mức học phí 14-17 triệu đồng. Bởi đây mới chỉ là học phí đối với chương trình đào tạo đại trà. Còn với chương trình quốc tế, chương trình đặc thù, chương trình chất lượng cao thì sẽ cao hơn, thậm chí gấp đôi. Điều này một phần nâng chi phí đào tạo trung bình 1 sinh viên cao hơn học phí 1 sinh viên theo hệ đại trà phải đóng.
Sự chênh lệch giữa học phí sinh viên đóng hằng năm và chi phí đào tạo trung bình sinh viên cho thấy trường ĐH Kinh tế quốc dân là một trường công lập. Do đó, trường vẫn được nhà nước bao cấp, trích từ ngân sách để đầu tư cho giáo dục đào tạo nói chung của nhiều trường đại học công lập trên cả nước, trong đó có ĐH Kinh tế quốc dân.
Hiện nay, nhà trường mới chỉ tự chủ được những chi phí thường xuyên. Còn đối với cơ sở hạ tầng như giảng đường, phòng học, thiết bị phục vụ cho việc dạy và học… vẫn được nhà nước trích từ ngân sách để đầu tư, nhà trường chỉ có thể đối ứng được 20% chi phí về cơ sở hạ tầng.
Do đó, học phí mà sinh viên phải đóng chỉ là một phần của chi phí đào tạo, phần lớn còn lại do nhà nước và nhà trường bao cấp, đặc biệt là về cơ sở hạ tầng, phòng học, nhà xưởng, giảng đường, trang thiết bị cơ bản…
Vậy 21,7 triệu đồng này sẽ được sử dụng cho những chi phí cụ thể gì, thưa ông?
Chi phí đào tạo trung bình 1 sinh viên là 21,7 triệu đồng năm 2017 được tính trung bình cho những chi phí thường xuyên của nhà trường. Như một phần chi trả cho khấu hao tài sản cố định về thiết bị học tập, giảng đường, phòng học… và chi trả lương thường xuyên cho cán bộ, giảng viên, nhân viên của trường; tiền điện, nước, sửa chữa thiết bị…
Ông cho biết lộ trình tăng học phí và nhà trường trong thời gian tới như thế nào?
Học phí hệ chính quy chương trình đại trà năm học 2018-2019 của trường ĐH Kinh tế quốc dân theo ngành học, khoảng từ 15,5 triệu đồng đến 18,5 triệu đồng/năm học.
Lộ trình tăng học phí tối đa cho từng năm thực hiện theo Nghị định số 86/2015/NĐCP ngày 02/10/2015 của Chính phủ.
Học phí của các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư theo quy định của Chính phủ được xác định trên cơ sở tính toán có sự cân đối giữa hỗ trợ của Nhà nước và đóng góp của người học, thực hiện theo lộ trình giảm dần bao cấp của Nhà nước.
Ngoài ra, trường thực hiện chương trình chất lượng cao được thu học phí tương xứng để bù đắp chi phí đào tạo. Cơ sở giáo dục ngoài công lập tự quyết định mức thu học phí.
Theo Nghị định này, đối với trường đào tạo các khối ngành Khoa học tự nhiên; kỹ thuật, công nghệ; thể dục thể thao, nghệ thuật; khách sạn, du lịch, mức trần học phí ở chương trình đào tạo đại trà từ năm học 2018-2019 đến năm học 2019-2020 là 1,85 triệu đồng/tháng/sinh viên; năm học 2020-2021 là 2,05 triệu đồng/tháng/sinh viên.
Trong thời gian tới, trường ĐH Kinh tế quốc dân sẽ có những cải thiện về cơ sở hạ tầng gì, điều này có ảnh hưởng đến học phí hay không?
Hiện tại, nhà trường đã có kế hoạch để cải tạo, nâng cấp ký túc xá cũ của trường để đảm bảo điều kiện về chỗ ở, sinh hoạt của sinh viên được tốt hơn. Việc thực hiện nâng cấp ký túc xá cũ sẽ được thực hiện sớm nhất vào hè năm nay, khi sinh viên trường kết thúc năm học.
Bên cạnh đó, trường đã có bản quy hoạch xây dựng mới tòa nhà kí túc xá khoảng 20 tầng theo mô hình chung cư hiện đại, chất lượng cao với đầy đủ những tiện ích cho sinh viên. Tất nhiên chi phí này do nhà nước bao cấp 80%. Đối với sinh viên có nhu cầu vào ở ký túc xá mới này cũng sẽ cao hơn so với sinh viên ở ký túc xá cũ.
Cảm ơn ông về những chia sẻ này!
Tòa nhà “Thế kỷ”, giảng đường A2, ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) với kiến trúc Pháp hiện đại, sau 13 năm xây dựng đã được đưa vào sử dụng trong năm học mới 2017-2018. Với diện tích sàn 96.000 m2, tòa nhà 10 tầng có 147 phòng chức năng bao gồm phòng học, phòng bảo vệ luận văn tiến sĩ, thạc sĩ, phòng học nhóm… cùng 6 thang máy. Các phòng học đều có máy tính cho giáo viên, máy chiếu, âm thanh, điều hòa. Hệ thống đèn led chạy dọc sảnh hành lang, sinh viên có thể sử dụng wifi miễn phí. Hệ thống kích sóng điện thoại di động, hệ thống camera giám sát từng phòng học cũng được trang bị. |