Cách đây 16 năm, ngày 20-9-2004, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 990/QĐ-TTg về việc lấy ngày 13 tháng 10 hằng năm làm ngày truyền thống Doanh nhân Việt Nam. Như vậy, giới doanh nhân đã thực sự được công nhận như một chủ thể xã hội, có quyền tự hào về vị thế của mình như các giới khác trong xã hội. Không những thế, doanh nhân là giới có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Bởi lẽ, xây dựng kinh tế đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu và hội nhập quốc tế là nhiệm vụ trọng tâm của cả dân tộc. Hiện nay cả nước ta đang thực hiện một nhiệm vụ, một ước mơ to lớn là công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Để hoàn thành sự nghiệp đó, mục tiêu “dân giàu, nước mạnh” – là phải phát triển mạnh về kinh tế, vật chất. Mục tiêu “xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” – là xây dựng con người, xã hội, văn hóa. Hai mục tiêu này phải tiến hành song song, đồng thời, trong đó mục tiêu phát triển kinh tế là then chốt. Để chấn hưng và phát triển nền kinh tế dân tộc, doanh nghiệp, doanh nhân phải là đầu tàu, là đội quân chủ lực. Trong sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, Đảng ta đã xác định và nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của doanh nhân. Tổng bí thư Nông Đức Mạnh khẳng định: “Doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam chính là người làm giàu cho đất nước”. Đảng và Nhà nước ta đã đưa ra chủ trương, chính sách, tạo môi trường để phát triển hiệu quả các doanh nghiệp theo cơ chế thị trường. Đó là xây dựng môi trường chính trị, kinh tế – xã hội, văn hóa tổng thể cho tầng lớp doanh nhân phát triển. Thể hiện rõ nhất là chủ trương phát triển nền kinh tế đất nước bằng nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Đó là những chính sách vĩ mô rất cần thiết cho các tầng lớp doanh nhân xuất hiện và làm giàu.