Để được vào danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV, người ứng cử phải bảo đảm các tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội.
Quốc hội ngày càng đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động thì chất lượng và tính chuyên nghiệp của đại biểu phải được nâng lên. Do đó, trước mỗi cuộc bầu cử, việc lựa chọn các ứng cử viên đòi hỏi một quy trình hiệp thương chặt chẽ.
Để được vào danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV, người ứng cử phải bảo đảm các tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội.
Một trong những tiêu chuẩn mà ứng cử viên phải có là phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư, có bản lĩnh vững vàng, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác…
Tránh hiện tượng “quân xanh, quân đỏ”
Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng việc thỏa thuận lập danh sách của các cơ quan Trung ương ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV cần chọn được các đại biểu có tâm, có tầm, có uy tín với nhân dân, không vì tình cảm mà nể nang nhau.
“Hội nghị Hiệp thương phải lựa chọn cho kỹ, làm sao loại bỏ những động cơ không tốt, không trong sáng, những người không đủ tư cách vào Quốc hội, không vì cục bộ địa phương để có thể giới thiệu người tài, để Quốc hội thực sự đại diện cho tiếng nói của nhân dân và vì nhân dân,” ông Túc khẳng định.
Tại Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 20/6/2020 của Bộ Chính trị, về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Bộ Chính trị nhấn mạnh yêu cầu kiên quyết không giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người sa sút về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, xu nịnh, kiêu ngạo, quan liêu, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Ðảng, Nhà nước…
Với yêu cầu này, theo ông Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội, Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách Quốc hội, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân, công tác hiệp thương để sàng lọc đại biểu Quốc hội đưa vào danh sách ứng cử là khâu rất quan trọng, do đó phải lựa chọn đại biểu thực sự có năng lực, trình độ, đủ khả năng chức trách nhiệm vụ của đại biểu, tránh tình trạng hiệp thương tồn tại “quân xanh, quân đỏ” sẽ không mang tính chất cạnh tranh trong vị trí cơ quan quyền lực cao nhất đất nước.
Mặt khác, theo ông Cường, khi lựa chọn đại biểu Quốc hội phải thông qua các vòng hiệp thương để xây dựng cơ cấu mang tính chất đại diện cho các tầng lớp nhân dân, ngành, lĩnh vực.
“Chức trách của đại biểu Quốc hội không chỉ lắng nghe tiếng nói của cử tri mà còn phải biết truyền tải những ý kiến đó để đóng góp vào những vấn đề quan trọng của đất nước; tổng hợp ý kiến cử tri để giám sát và chất vấn trở lại cơ quan thực thi pháp luật. Vì thế, việc lựa chọn được đại biểu có đủ năng lực, trình độ, am hiểu về các lĩnh vực chuyên môn thật sâu; phải là người dám nói, dám hành động, trung thực, ngay thẳng, không vì ràng buộc nào đóng góp cho sự nghiệp chung đúng với tinh thần vì dân, vì nước, khi đó mới hoàn thành được nhiệm vụ, chức trách của đại biểu Quốc hội là đại diện tiếng nói cho người dân trong công cuộc phát triển đất nước,” ông Cường đặc biệt lưu ý.
Bên cạnh việc thông tin từ hồ sơ ứng cử viên được gửi cho cơ quan tham gia vào hiệp thương, vị đại biểu Quốc hội này cho rằng việc thông tin tuyên truyền chương trình hành động của các ứng cử viên trên các phương tiện thông tin đại chúng là kênh hết sức quan trọng để cử tri biết và tìm hiểu xem xét phù hợp với năng lực, khả năng và vị thế của họ – đó là cơ sở quan trọng lựa chọn ứng cử viên nào thực hiện đúng lời hứa của đại biểu Quốc hội.