Sinh viên “kể khổ”
Truy cập vào các hội nhóm cho thuê nhà trọ sinh viên trên mạng xã hội, sinh viên ngày nay không còn phải mướt mải mồ hôi, lê la khắp ngõ ngách, phố phường Hà Nội thì mới có thể “chốt” phòng. Lục Thương Thương, sinh viên Trường ĐH Kinh tế Quốc dân nhớ lại, hồi năm nhất cũng từng tìm nhà trọ bằng cách này. Tưởng tiện lợi nhưng mọi thứ không đơn giản “như mình nghĩ”.
“Có trường hợp họ cho thuê nhưng không tìm thấy địa chỉ, họ chỉ đăng lên để mồi sinh viên vào các dịch vụ khác. Thời điểm đó cũng gần thời gian nhập học nên mình rất hoang mang. May mắn bạn bè tìm được phòng trống đã báo cho mình”.
Khi vào năm thứ nhất đại học, Nguyễn Khánh Ly, sinh viên khoa Bảo hiểm, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đặt mục tiêu tìm một phòng trọ ở được lâu dài có không gian riêng tư, nhưng giờ đây cô ở cùng 3 người bạn với hợp đồng thuê nhà ngắn hạn. Nói về lý do không cầu toàn nữa, Ly cho biết “mình đã xem khoảng 4 – 5 nhà nhưng đến thì họ không ở đấy, có nhà thì khác xa với ảnh trên mạng”.
Thầy Trần Việt An, giảng viên Khoa Marketing, Uỷ viên Ban Thường vụ Đoàn Thanh niên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, nhiều sinh viên năm nhất chưa đặt chân đến Hà Nội nhưng phụ huynh đã gọi điện với mong muốn tìm nhà trọ tốt, gần trường.
“Nỗi khổ đầu tiên là thông tin trên mạng không giống thực tế, chính sách nhà trọ không rõ ràng, sinh viên chưa hiểu hết hợp đồng, phát sinh chi phí dịch vụ điện nước, tiền thuê, tiền đặt cọc. Ngoài ra, nhiều bạn cũng kêu than việc không lấy được tiền đặt cọc khi chuyển nhà vì những điều khoản không thống nhất rõ ràng”.
Tiêu chí chọn phòng thế nào?
Theo thầy Việt An, những sai lầm khiến tân sinh viên không tìm được phòng trọ ưng ý chủ yếu đến từ sự vội vàng, chưa xác định được mục tiêu, mức giá, nhà trọ cách xa trường bao nhiêu?, khu vực đó an ninh thế nào?, đường đi lối lại có tốt không?
Xếp theo thứ tự ưu tiên các tiêu chí chọn phòng trọ, Lục Thương Thương, sinh viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân ưu tiên chất lượng phòng tốt lên hàng đầu; Tiếp theo là an ninh; Địa điểm gần trường ĐH “vì sinh viên ngoài việc học còn nhiều hoạt động ngoại khóa, đi làm thêm, việc gần trường ĐH sẽ tiện cho việc di chuyển vì tắc đường vào giờ cao điểm ở Hà Nội là hiển nhiên”; Tiếp đến là chủ nhà trọ thân thiện và cuối cùng mới là giá cả.
Đồng tình với Thương Thương về việc chọn lựa nơi có an ninh tốt, thầy Việt An bổ sung, đó là những nơi có đèn đường sáng, gần khu vực công cộng như cơ quan, công an phường, đặc biệt là gần trường ĐH. “Với ngân sách hạn chế, phòng trọ chất lượng không hẳn là quá đẹp đẽ mà phải đảm bảo các yếu tố về cháy nổ, rò rỉ điện nước”.
1. Không đặt cọc trước khi đến xem phòng
Để tránh bị lừa hay bị ép giá khi mới lần đầu thuê phòng, thầy Việt An cho rằng, với những bạn chưa lên Hà Nội bao giờ hãy tìm người cùng đồng hành, hỗ trợ để tìm nhà trọ hiệu quả. Đó có thể là người thân, các anh chị sinh viên mà mình đã quen từ cấp 3. Thậm chí là bố mẹ cùng đi”.
Khi người trẻ gặp người lớn tuổi thì vị thế đàm phán sẽ khó khăn hơn, cho nên khi đàm phán đi với một anh chị có kinh nghiệm, biết cách nói chuyện, cách đưa ra vấn đề mặc dù vẫn thiện cảm, từ tốn nhưng vẫn có lý lẽ đàm phán tốt hơn. “Nghe có vẻ Hà Nội khó tìm phòng trọ nhưng thực tế số lượng phòng rất nhiều nên tân sinh viên không nhất thiết phải đặt cọc khi chưa đến xem phòng trọ. Nếu chưa thể đến Hà Nội tìm phòng, các bạn có thể nhờ người thân ở Hà Nội xem trước, không nên vội vàng đặt cọc ngay”, thầy Việt An khuyên.
2. Tránh “phòng trọ ảo”
Thực tế khi tìm nhà trọ trên các hội nhóm, nhiều tân sinh viên vỡ mộng khi chất lượng phòng trên mạng thì ổn nhưng thực tế lại rất “ô dề”. Lục Thương Thương cho rằng, để tránh tình trạng “phòng trọ ảo” cần xem nick của người đăng phòng có chính chủ, có nhiều tương tác hay không?
Thầy Việt An bổ sung, khi tìm được địa điểm phòng trọ với mức giá phù hợp, các bạn có thể liên hệ và nhờ người thuê gửi cho hình ảnh hoặc quay video thực tế. Sau đó hỏi các đầu mục như: diện tích thực tế sử dụng, giá điện nước. “Trước khi mất công đến mình vẫn hỏi thông tin, đáp ứng mọi thứ sẽ đến lần nữa. Chẳng hạn, tìm được 10 nhà ưng ý trên mạng nhưng qua việc hỏi han thông tin và người ta gửi thực tế có thể còn 3-5 nhà, nên đến xem trước khi quyết định vì đó là nơi ở hằng ngày trong thời gian dài, 3 nhà thì chốt được 1 nhà”.
3. Hợp đồng chi tiết
Để tránh mâu thuẫn, tranh cãi với chủ trọ thì sinh viên cần thỏa thuận, giao kèo với chủ nhà ngay trước khi đến ở. “Hợp đồng là quan trọng nhất. Hợp đồng không ghi những điều khoản chung chung mà nói rõ từng thiết bị trong nhà gắn tường hay không gắn tường, họ cho phép mình sử dụng số lượng bao nhiêu cũng cần ghi rõ để, thầy Việt An tư vấn.
Liên quan đến tiền cọc, tất cả khoản tiền chuyển cho bên thuê cần chuyển qua ngân hàng, có minh chứng. Đồng thời, thỏa thuận khác ngoài hợp đồng cũng được thể hiện qua tin nhắn chứ không phải bằng miệng, tất cả có