(TBTCVN) – Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, khó khăn của các doanh nghiệp (DN) chồng chất kéo theo tiềm ẩn khả năng nợ xấu tăng, làm suy giảm quy mô vốn của các ngân hàng (NH).
Tăng vốn sẽ giúp NH vừa tăng khả năng cấp tín dụng cho nền kinh tế vừa tăng khả năng chống chịu rủi ro.
Vì vậy, tăng vốn không chỉ giúp các NH có khả năng chống chọi tốt hơn đối với việc suy giảm các hoạt động của DN, đồng thời còn giúp NH tăng khả năng cấp tín dụng cho nền kinh tế sau khi dịch bệnh kết thúc. Đây là trao đổi của PGS.TS Đỗ Hoài Linh – Viện Ngân hàng – Tài chính, Đại học Kinh tế quốc dân với phóng viên TBTCVN.
* PV: Thưa bà, hiện nay mới có khoảng một nửa trong tổng số các NH thương mại đã được công nhận đạt chuẩn Basel II, vì vậy tăng vốn vẫn là vấn đề “nóng” đối với nhiều NH. Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang tác động tiêu cực đến hệ thống các tổ chức tín dụng, dịch bệnh làm gia tăng thách thức như thế nào đối với các NH trong vấn đề tăng vốn, thưa bà?
– Bà Đỗ Hoài Linh: Trước hết, Basel II là phiên bản thứ hai của Ủy ban Basel về giám sát NH. Đối với Việt Nam, việc triển khai Basel II được coi là giải pháp tái cơ cấu căn bản, tạo nền tảng vững chắc cho sự an toàn và phát triển lành mạnh của hệ thống NH Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.
Hiệp ước Basel II hướng tới nâng cao mức độ an toàn, hiệu quả, lành mạnh và năng lực cạnh tranh của hệ thống NH thông qua 3 trụ cột: trụ cột 1 – đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn (bảo đảm vốn cho rủi ro tín dụng, rủi ro hoạt động và rủi ro thị trường); trụ cột 2 – nâng cao năng lực điều hành, quản trị rủi ro, tự đánh giá mức độ đủ vốn của NH và trách nhiệm thanh tra, giám sát của cơ quan quản lý và trụ cột 3 – tăng cường công khai, minh bạch thông tin về tình hình hoạt động của NH, tuân thủ kỷ luật thị trường… Do vậy, triển khai Basel II không chỉ giúp NH giảm thiểu rủi ro, sử dụng tốt nhất nguồn vốn, mà còn giảm đáng kể các thiệt hại do các biến động của nền kinh tế gây ra. Các NH càng về đích Basel II sớm sẽ càng tối ưu hóa hiệu quả hoạt động.
Năm 2016, NH Nhà nước đã ban hành Thông tư 41/2016/TT-NHNN, trong đó yêu cầu từ 1/1/2020 các NH sẽ phải chính thức áp dụng tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo chuẩn Basel II, với CAR là phân số có công thức tính khá phức tạp, bằng vốn tự có (C) chia cho tổng tài sản điều chỉnh rủi ro tín dụng (RWA) và vốn yêu cầu cho rủi ro hoạt động (Kor) và vốn yêu cầu cho rủi ro thị trường (Kmr), hay CAR = C/{(RWA + 12,5 x (Kor+Kmr)}.
Như vậy, hiểu đơn giản theo lý thuyết thì các NH có thể tăng CAR để đạt yêu cầu của Basel II bằng 3 cách. Cách thứ nhất, tăng tử số, là sử dụng các biện pháp nhằm tăng vốn tự có gồm tăng vốn cấp 1 và vốn cấp 2 của NH, bằng cách tăng vốn điều lệ, sử dụng lợi nhuận chưa phân phối, phát hành trái phiếu dài hạn được tính vào vốn cấp 2… Cách thứ hai, giảm mẫu số, là giảm tài sản rủi ro của NH (giảm RWA) bằng cách giảm tăng trưởng tín dụng, điều chuyển danh mục tài sản của NH từ những tài sản nhiều rủi ro nhưng khả năng sinh lời cao sang tài sản an toàn nhưng sinh lời thấp hơn…. Cách thứ ba, phối hợp vừa tăng tử số vừa giảm mẫu số, có nghĩa NH vừa tăng vốn tự có vừa giảm tài sản rủi ro. Trên thực tế, tùy vào điều kiện vĩ mô và thực trạng của từng NH mà mỗi NH sẽ có những chiến lược khác nhau để đạt CAR theo Basel II dựa trên một trong ba cách trên.
Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang tác động tiêu cực không chỉ đến toàn bộ nền kinh tế Việt Nam mà cả nền kinh tế toàn cầu, các biện pháp hướng tới giảm tài sản rủi ro của các NH và tăng vốn từ lợi nhuận giữ lại trong năm nay sẽ gặp nhiều khó khăn, do hệ quả của việc tạm ngừng các hoạt động sản xuất kinh doanh và suy giảm lợi nhuận của hệ thống NH.
Với biện pháp gia tăng vốn cấp 2, biện pháp này thường chỉ phù hợp trong bối cảnh thanh khoản của NH bị thiếu hụt, nhưng hiện tại, khi thanh khoản của cả hệ thống tương đối dồi dào, đồng thời chi phí phát hành vốn cấp 2 là cao nên phương án tăng vốn cấp 2 trong năm nay sẽ không thực sự hiệu quả. Vì vậy, biện pháp khả thi nhất trong bối cảnh hiện tại là cân nhắc tăng vốn cấp 1 bằng việc tạm dừng thực hiện chi trả cổ tức bằng tiền mặt và tăng phát hành cổ phiếu mới cho các nhà đầu tư trên thị trường.
* PV: Vậy, theo bà, nếu không thể tăng vốn, NH sẽ đứng trước những rủi ro như thế nào trong bối cảnh nền kinh tế đang có những biến động khá bất định bởi những tác động tiêu cực của dịch Covid-19?
– Bà Đỗ Hoài Linh: Như đã phân tích ở trên, khi hệ số CAR của NH thấp hơn quy định của Basel II thì các NH sẽ phải hạn chế, thậm chí có thể phải ngừng cấp tín dụng. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam, đặc biệt khi hiện tại 97% các DN của chúng ta có quy mô vừa và nhỏ, các DN này khó có thể huy động vốn bằng phát hành cổ phiếu hay trái phiếu, nên việc phát triển của DN phụ thuộc nhiều vào nguồn tín dụng NH.
Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, khó khăn của các DN tăng cao kéo theo tiềm ẩn khả năng nợ xấu tăng, làm suy giảm quy mô vốn của NH. Vì vậy, tăng vốn không chỉ giúp NH có khả năng chống chọi tốt hơn đối với việc suy giảm các hoạt động của DN, đồng thời còn giúp NH tăng khả năng cấp tín dụng cho nền kinh tế sau khi dịch bệnh kết thúc. Do đó, nếu bài toán về tăng vốn của các NH không được giải quyết hiệu quả sẽ có thể dẫn đến suy thoái kép cho nền kinh tế, vì khi các hoạt động sản xuất kinh doanh bắt đầu trở lại, nền kinh tế của chúng ta sẽ không có được sự hỗ trợ cần thiết từ hoạt động tín dụng của hệ thống NH.
* PV: Trong bối cảnh đó, theo bà, các NH cần làm gì để có thể thực hiện được mục tiêu tăng vốn?
– Bà Đỗ Hoài Linh: Trong bối cảnh hiện tại, tăng CAR theo chuẩn Basel II dựa vào tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu mới cho các nhà đầu tư có thể là một lựa chọn tốt. Tuy nhiên, việc tăng vốn này đòi hỏi thu hút số tiền lớn của nhà đầu tư, với quy mô vốn hóa của các NH Việt Nam hiện nay thì khả năng hấp thụ của nhà đầu tư trong nước là yếu. Do đó, hướng tới nhà đầu tư nước ngoài mới là biện pháp triệt để và dài hơi về tăng vốn cho các NH Việt Nam. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư nước ngoài thì bản thân các NH và cơ quan quản lý cũng phải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
Cụ thể, các NH phải đáp ứng về các tiêu chuẩn hoạt động, cấp thiết có những cải cách mang tính hệ thống như cải thiện chất lượng và sự minh bạch của sổ sách, cũng như các chính sách nội bộ để tiếp tục giảm nợ xấu và giải tỏa các tài sản bảo đảm. Cơ quan quản lý cũng cần đáp ứng về hàng lang pháp lý và chính sách quản lý, điều này đặc biệt quan trọng với các NH thương mại quốc doanh, các mệnh lệnh hành chính trong quản lý và điều hành cần phải được giảm bớt, thay vào đó là quản trị bằng pháp luật, chính sách và định hướng phù hợp.
* PV: Xin cảm ơn bà!
Theo Thời báo Kinh tế Việt Nam
Link bài viết: Tăng vốn sẽ giúp ngân hàng tăng khả năng cung cấp tín dụng cho nền kinh tế