TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ QUỐC DÂN

KHOA QUẢN TRỊ KINH DOANH

Khoa Quản trị kinh doanh (QTKD – FBM) được thành lập từ năm 1956, tiền thân là Khoa Công – Nông (1956-1965), sau đó đổi tên thành Khoa Kinh tế Công nghiệp (1965-1990) và Khoa QTKD công nghiệp và xây dựng (1990-2003). Hiện nay, Khoa QTKD có 04 Bộ môn (Quản trị doanh nghiệp, QTKD tổng hợp, Văn hoá kinh doanh, Quản trị Chất lượng) và Trung tâm Tư vấn doanh nghiệp (ECC), Ban liên lạc cựu sinh viên Khoa Quản trị Kinh doanh (CSQ), Liên chi Đoàn Khoa Quản trị Kinh doanh (FBM), Liên chi Hội Khoa quản trị Kinh doanh (ASF), CLB Doanh nhân tương lai (CFE), Đội sinh viên tình nguyện Quản trị Kinh doanh (STQ).

Khoa quản trị kinh doanh đào tạo tất cả các bậc học từ cử nhân đến tiến sỹ. Trong đó, bậc cử nhân bao gồm 3 chuyên ngành Quản trị doanh nghiệp, Quản trị chất lượng, QTKD tổng hợp và Quản trị doanh nghiệp chất lượng cao; bậc cao học gồm 3 chuyên ngành trên và chuyên ngành Kinh tế công nghiệp; bậc tiến sỹ có chuyên ngành QTKD và chuyên ngành Kinh tế công nghiệp.

Khoa luôn có truyền thống đi đầu trong đào tạo liên kết và hợp tác quốc tế, tổ chức các hoạt động tư vấn và các khoá bồi dưỡng ngắn hạn nhằm cập nhật kiến thức quản trị kinh doanh cho các nhà doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các phong trào Công đoàn, Đoàn thanh niên, văn nghệ, thể thao, nghiên cứu khoa học sinh viên, các hoạt động sinh viên (Câu lạc bộ doanh nhân tương lai – CFE) và phong trào thanh niên tình nguyện (STQ) cũng đạt được nhiều thành tích cao trong toàn trường.

Chặng đường xây dựng và phát triển của Khoa có thể được chia thành 05 giai đoạn chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, giai đoạn 1956 – 1965: Đây là giai đoạn đặt nền móng ban đầu, nhưng hết sức cơ bản cho những chặng đường phát triển tiếp theo. Tổ Công nghiệp trong Khoa Công – Nông tập hợp các thầy cô giáo từ những lĩnh vực chuyên môn khác nhau chuyển sang, chủ yếu là tốt nghiệp các trường Đại học ở Liên Xô và Trung Quốc, hoặc mới tốt nghiệp những khoá đào tạo đầu tiên thuộc hệ chuyên tu và dài hạn tập trung. Trong giai đoạn này, Khoa đào tạo bậc đại học với các hệ chuyên tu và dài hạn tập trung thuộc chuyên ngành Kinh tế công nghiệp để đáp ứng nhanh nhu cầu cán bộ quản lý công nghiệp ở các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan nghiên cứu, giảng dạy cũng như nhu cầu cán bộ quản lý của các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh. Trong giai đoạn này, ngoài việc giảng dạy, các thầy cô giáo của Khoa còn tích cực tham gia công tác nghiên cứu và chỉ đạo thực tế, mà điển hình là sự tham gia của nhiều thầy cô giáo vào cuộc vận động “ba xây, ba chống” và vào hoạt động “cải tiến quản lý xí nghiệp quốc doanh” trong những năm 60

Thứ hai, giai đoạn 1965 – 1975. Đây là giai đoạn xây dựng và phát triển Khoa trong điều kiện cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Năm 1965, Khoa Kinh tế công nghiệp được chính thức thành lập trên cơ sở tách từ Khoa Công – Nông. Nhiệm vụ của Khoa lúc này là đào tạo chuyên ngành Kinh tế công nghiệp với các hệ dài hạn tập trung, chuyên tu ngắn hạn và dài hạn, tại chức và bồi dưỡng không cấp bằng. Về cơ cấu tổ chức, Khoa có 3 bộ môn là Bộ môn Kinh tế công nghiệp, Bộ môn Kinh tế xí nghiệp công nghiệp và Bộ môn Kỹ thuật công nghiệp (sau này là Ban kỹ thuật cơ sở). Để đáp ứng yêu cầu của xã hội, các bộ môn trong Khoa đã hết sức chú trọng biên soạn và hoàn thiện hệ thống giáo trình theo hướng Việt Nam, cơ bản và hiện đại, thúc đẩy phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt và phục vụ tốt”. Các thầy cô giáo của Khoa lần lượt được cử “đi thực tế” tại các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh, hợp tác xã thủ công nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước. Hoà chung với khí thế của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc, một số thầy cô giáo và sinh viên của Khoa đã lên đường nhập ngũ, trong số họ đã có người hy sinh anh dũng trên chiến trường, góp phần xương máu vào sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Thứ ba, giai đoạn 1976 – 1990. Đây là giai đoạn chia sẻ một phần lực lượng giáo viên cho một số trường ở miền Nam và chuẩn bị các điều kiện để phát triển Khoa trong sự nghiệp đổi mới của đất nước. Năm 1975, đất nước hoàn toàn thống nhất. Một số giảng viên và cán bộ của Khoa đã chuyển vào làm lực lượng nòng cốt để thành lập Khoa Kinh tế (sau này là Trường Đại học kinh tế) của Đại học Đà Nẵng và Khoa Kinh tế công nghiệp (sau này là Khoa Quản trị kinh doanh) của Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh.Trong giai đoạn này, các thầy cô giáo Khoa Công nghiệp tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đào tạo bậc đại học các hệ dài hạn chính quy, chuyên tu, tại chức thuộc chuyên ngành Kinh tế công nghiệp và các lớp bồi dưỡng ngắn hạn kiến thức quản lý kinh tế. Song song với việc hoàn thiện các giáo trình Kinh tế công nghiệp và Kinh tế xí nghiệp công nghiệp, Khoa đã tích cực biên soạn hệ thống các chuyên đề, bài giảng đáp ứng yêu cầu chuyển đổi cơ chế quản lý. Các thầy cô giáo trong Khoa đã tham dự các lớp bồi dưỡng kiến thức về kinh tế thị trường và biên dịch các giáo trình của nước ngoài về quản lý kinh tế và quản trị kinh doanh trong cơ chế thị trường. Đó là nền tảng quan trọng cho việc đổi mới mục tiêu, chương trình và giáo trình trong giai đoạn tiếp theo. Từ năm 1977, Trường Đại học Kinh tế quốc dân bắt đầu thực hiện nhiệm vụ đào tạo NCS. Khoa Công nghiệp là một trong những đơn vị đầu tiên được Trường giao nhiệm vụ đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ cao (tiến sỹ) với chuyên ngành Kinh tế công nghiệp cũng bắt đầu từ năm đó.

Thứ tư, giai đoạn từ 1991 đến 2003. Đây là giai đoạn đầu phát triển Khoa  trong điều kiện cơ chế quản lý mới. Năm 1991, Khoa Công nghiệp được đổi tên thành Khoa Quản trị kinh doanh công nghiệp và xây dựng. Đó không phải là sự thay đổi thuần tuý về tên gọi, mà là sự thay đổi cơ bản về mục tiêu, chương trình đào tạo và hệ thống giáo trình, học liệu. Từ chỗ đào tạo chuyên ngành Kinh tế công nghiệp, Khoa chuyển đổi sang đào tạo chuyên ngành Quản trị kinh doanh công nghiệp và xây dựng nhằm đáp ứng yêu cầu đội ngũ cán bộ quản trị doanh nghiệp phù hợp với sự chuyển đổi từ cơ chế kế hoạch hoá tập trung sang cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Cùng với việc tiếp tục đào tạo bậc cử nhân các hệ chính quy, tại chức và văn bằng II, Khoa tiếp tục mở rộng đào tạo bậc tiến sĩ và thạc sĩ. Cũng từ năm 1991, Khoa chính thức đảm nhận đào tạo thạc sỹ chuyên ngành Quản trị kinh doanh công nghiệp và xây dựng.  Năm 1996, được sự đồng ý của Ban Giám hiệu, Khoa mở thêm chuyên ngành Quản trị chất lượng đào tạo cử nhân quản trị kinh doanh chuyên sâu vào chức năng quản trị chất lượng của các doanh nghiệp và các tổ chức. Cũng trong thời gian này, Ban Giám hiệu thành lập Trung tâm Đào tạo Quản trị kinh doanh tổng hợp với nhiệm vụ đào tạo cử nhân Quản trị kinh doanh chung cho các loại hình kinh doanh trong nền kinh tế. Năm 2003, theo sự sắp xếp lại tổ chức của trường, Trung tâm Đào tạo Quản trị kinh doanh tổng hợp được chuyển về Khoa, đồng thời Khoa cũng được chính thức đổi tên thành Khoa Quản trị kinh doanh. Song song với việc hoàn thành nhiệm vụ đào tạo và biên soạn giáo trình, Khoa cũng quan tâm đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và tư vấn phục vụ doanh nghiệp. Nhiều đề tài khoa học đã được thực hiện, từ việc tham gia thực hiện các nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao, các đề tài thuộc các chương trình khoa học xã hội cấp nhà nước, đến các đề tài cấp Bộ và cấp thành phố, đề tài hợp tác quốc tế và đề tài tư vấn cho doanh nghiệp.

Thứ năm, giai đoạn từ 2003 đến nay. Đây là giai đoạn đổi mới và phát triển toàn diện trong diện điều kiện Đại học Kinh tế quốc dân thực hiện trọng trách “Đổi mới, hội nhập, phát triển”.Cùng với việc kiện toàn lại tổ chức Trường, năm 2008 Bộ môn Văn hóa kinh doanh và Trung tâm Đào tạo và Phát triển quản lý Việt Nam – Thụy Sỹ (SAV) được chuyển về Khoa; chuyển Bộ môn Quản trị chất lượng vào Bộ môn Quản trị Kinh doanh tổng hợp; đổi tên Bộ môn Kinh tế, Quản trị kinh doanh công nghiệp và xây dựng thành Bộ môn Quản trị doanh nghiệp; đổi tên Trung tâm tư vấn và phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ thành Trung tâm tư vấn doanh nghiệp (ECC). Tháng 10 năm 2010, Ban Giám hiệu đã đồng ý để Khoa mở và tuyển sinh chuyên ngành mới – Chuyên ngành Quản trị doanh nghiệp chất lượng cao. Đến nay đã có 02 khóa đào tạo theo chuyên ngành này. Mục tiêu chính của việc sắp xếp lại tổ chức là đẩy nhanh quá trình hội nhập phát triển, phấn đấu nhanh chóng đạt các chuẩn quốc tế về đào tạo quản trị kinh doanh và đáp ứng tốt nhu cầu nguồn nhân lực quản trị kinh doanh chất lượng cao của xã hội.

Về mặt tổ chức, hiện nay Khoa có 4 bộ môn (Quản trị doanh nghiệp (DIM), Quản trị kinh doanh tổng hợp (DGM), Quản trị Chất lượng(DQM) và Văn hóa kinh doanh (DBC). Ngoài ra, Khoa còn có  Trung tâm Tư vấn doanh nghiệp (ECC) và 04 tổ chức của sinh viên là Câu lạc bộ doanh nhân tương lai (CFE), Đội sinh viên tình nguyện Khoa Quản trị kinh doanh (STQ) và Ban liên lạc cựu  sinh viên Khoa Quản trị kinh doanh (CSQ) và Liên chi Đoàn Khoa Quản trị Kinh doanh (FBM)

Trong hành trình 65 năm, Khoa đã đóng góp cho Nhà trường: 2 Bí thư Đảng ủy, 4 phó hiệu trưởng, đội ngũ giảng viên của Khoa có 2 nhà giáo nhân dân, 10 nhà giáo ưu tú, 10 giáo sư, 30 phó giáo sư, rất nhiều tiến sỹ  thạc sỹ. Khoa đã 2 lần được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba, 2 bằng khen của Thủ tướng chính phủ; đóng góp cho đất nước hàng vạn tri thức, trong đó có những người đã và đang nắm giữ những vị trí quan trọng như: Ủy viên Bộ Chính trị, Đương kim Chủ tịch nước NGUYỄN XUÂN PHÚC; GS.TS Đỗ Hoài Nam, nguyên ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên chủ tịch Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam; Tiến sỹ Đinh Quang Ngữ, – Nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin;  Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Ninh Đào Hồng Lan.

 

Về nghiên cứu khoa học, giảng viên của Khoa đã chủ trì hoặc tham gia hơn 200 chương trình nghiên cứu, đề tài khoa học các cấp; tham gia giải quyết các vấn đề vừa cơ bản, vừa cấp bách của quá trình xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội, phát triển sản xuất – kinh doanh của đất nước. Về xây dựng đội ngũ, từ 5 giáo viên trong buổi ban đầu, tính đến nay đã có gần 130 cán bộ, giảng viên đã từng công tác tại Khoa qua các thời kỳ. Hiện tại, đội ngũ cán bộ, giảng viên cơ hữu của Khoa có 53 người, trong đó có 10 PGS, 22 TS và 12 Ths. Noi theo tấm gương của các thầy cô giáo thuộc các thế hệ trước, đội ngũ giảng viên hôm nay của Khoa luôn chú trọng rèn luyện và học tập nâng cao năng lực và trình độ chuyên môn, nhiệt tình và tinh thần trách nhiệm trong công tác.

Về nghiên cứu khoa học và tư vấn, tính đến nay giáo viên của Khoa đã thực hiện khoảng 190 đề tài, bao gồm các chương trình và đề tài cấp Nhà nước, đề tài cấp Bộ, hợp tác với nước ngoài, cấp Trường và đề tài phục vụ doanh nghiệp… Hoạt động hợp tác quốc tế và quan hệ đối ngoại của Khoa luôn được chú trọng phát triển. Nhiều đề tài, dự án hợp tác với các tổ chức quốc tế (UNIDO, UNESCO, JICA, JETRO, VDF, ASIAN LINK, SAINT MARY UNIVERSITY, KYOTO UNIVERSITY, DONGSEO UNIVERSITY, CURTIN UNIVERSITY, MEMORIAL UNIVERSITY,…) đã được thực hiện.

Chức năng nhiệm vụ của khoa Quản Trị Kinh Doanh

Chức năng đào tạo

Đào tạo người học có: Kiến thức cơ bản về khối ngành kinh tế, khoa học công nghệ và xã hội, cơ sở khoa học của quản lý và quản trị kinh doanh; Kiến thức chuyên sâu về khởi sự kinh doanh, khởi tạo doanh nghiệp, hoạch định chiến lược doanh nghiệp, xây dựng các dự án kinh doanh, kế hoạch kinh doanh, tổ chức và phối hợp các nguồn lực nhằm thực hiện các quyết định quản lý, kinh doanh của doanh nghiệp; phối hợp với các doanh nghiệp khác để quản lý chuỗi cung ứng hiệu quả, kiểm soát, điều chỉnh hoạt động trong các lĩnh vực quản trị của doanh nghiệp.

Đào tạo nhân lực có trình độ cao trong lĩnh vực: Tự khởi nghiệp, tự thành lập các doanh nghiệp, các tổ chức phi lợi nhuận, các hiệp hội ngành nghề kinh doanh hoặc doanh nghiệp xã hội; Có cơ hội trở thành nhà quản trị cấp trung trong các doanh nghiệp, hoặc tự kinh doanh, khởi sự kinh doanh; Cán bộ các trường, viện, trung tâm nghiên cứu hoặc các cơ sở đào tạo khác (nghiên cứu, tư vấn, giảng dạy về quản trị kinh doanh), các cơ quan hoạch định chính sách kinh doanh, các vụ, cục quản lý, phát triển doanh nghiệp.

Nhiệm vụ nghiên cứu khoa học: đã thực hiện khoảng 400 đề tài, bao gồm các chương trình và đề tài cấp Nhà nước, đề tài thuộc quỹ NAFOSTED, đề tài cấp Bộ, hợp tác với nước ngoài, cấp Trường và đề tài phục vụ doanh nghiệp… Nhiều đề tài, dự án hợp tác với các tổ chức quốc tế và trường đại học các nước phát triển (DONCSEO UNIVERSITY, BRITISH COUNCIL, UNIDO, UNESCO, JICA, JETRO, VDF, ASIAN LINK, SAINT MARY UNIVERSITY, KYOTO UNIVERSITY…) đã được thực hiện.

Nhiệm vụ tư vấn: khoa đã không ngừng phát triển chương trình, nâng cao năng lực tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp ở Việt Nam trong việc đào tạo, bồi dưỡng các kiến thức về Quản trị kinh doanh và Kinh tế thị trường.